Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ y tế hoạt động, cung cấp các dịch vụ y tế hiệu quả trên môi trường mạng. Giúp phát triển các nhà cung cấp dịch vụ y tế số, tạo môi trường cho các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cùng phát triển.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Cụ thể, thực hiện minh bạch thông tin, trong đó thông tin phải được thu thập, quản lý và được luân chuyển, chia sẻ đến những nơi cần thiết một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Xây dựng các nền tảng kết nối nhằm kết nối các đơn vị, kết nối các cơ sở y tế với người dân, kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế, cung cấp hạ tầng kết nối cho các hoạt động y tế trên môi trường mạng.
"Cần có quy hoạch dịch vụ để mở ra môi trường cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng như xây dựng định mức và cơ chế tài chính cho các hoạt động công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.... Y tế công lập chiếm tỷ trọng lớn, cần có định mức để xây dựng giá dịch vụ, cơ chế tài chính để chi trả chi phí đầu vào", ông Nguyễn Trường Nam cho hay.
Theo ông Nguyễn Trường Nam, chuyển đổi số không phải vấn đề công nghệ, mà là làm sao để ứng dụng, chuyển hoạt động y tế lên môi trường số hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc y tế và các ngành công nghệ đã trao đổi quan điểm và chia sẻ kiến thức về phát triển và điều phối về cơ sở hạ tầng thông tin y tế, nâng cao an toàn và chất lượng chăm sóc sức khỏe thông qua ứng dụng IoT, góp phần phát triển kỹ thuật số trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ngoại trú và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế cho biết, hội thảo nhằm thúc đẩy việc hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua hội thảo, kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.