Theo Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI), tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam khi hướng tới chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Khi ứng dụng công nghệ trong đời sống, cần phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro mà nó mang lại. Rủi ro chỉ có thể được giải quyết khi có niềm tin trong ứng dụng công nghệ. Do đó, việc xây dựng niềm tin rất quan trọng mà tiêu chuẩn số sẽ là tiền đề để đảm bảo tương lai công nghệ số tin cậy cho tất cả mọi người, cũng như khả năng liên thông của các hệ thống, an toàn từ trong thiết kế.Chia sẻ tại Hội thảo“Chuyển đổi kỹ thuật số xây dựng trên sự tin cậy: Tiêu chuẩn quốc tế”tổ chức ngày 29/2 tại Hà Nội, ông Peter Sissons, Giám đốc phụ trách Chính sách quốc tế BSI, cho biết tiêu chuẩn mang đến kết quả tích cực, quá trình số hóa có thể cung cấp dịch vụ công tốt hơn, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế, cải tiến quy trình nông nghiệp và sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Lê Thị Thùy Trang, phòng Nền tảng và Dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động mục tiêu về chuyển đổi số, đặt ra các giải pháp cụ thể, trong đó có mục tiêu phát triển và khai thác dữ liệu làm tiền đề chuyển đổi số. Để khai thác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu cần có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, cấu trúc dữ liệu trao đổi.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về dữ liệu. Bộ TT&TT khuyến nghị các cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu, sử dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số.
Tại hội thảo, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (STAMEQ), chia sẻ Việt Nam đã có 255 tiêu chuẩn liên quan đến các lĩnh vực của kinh tế số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây và IoT, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học...
Ông Hiệp thông tin thêm, trong quá trình chuyển đổi số, phần khó nhất là thay đổi nhận thức của mọi người. Do đó, STAMEQ đã đưa ra 6 bước để xây dựng nhận thức về số hóa, trong đó, cấp độ nền tảng là cải thiện văn hóa kỹ thuật số, văn hóa sử dụng tài nguyên, nguồn lực hiện hữu, thay đổi nhận thức văn hóa quản lý hệ thống, văn hóa chuyển đổi số dựa trên hợp tác, niềm tin giữa những người tham gia và cuối cùng là văn hóa quản lý tinh gọn, văn hóa đổi mới sáng tạo.
Về vai trò của tiêu chuẩn hóa, BSI cho rằng đây là yếu tố then chốt trong tiến trình hỗ trợ các chính sách của Chính phủ. Khi kết hợp với luật pháp, các tiêu chuẩn có thể hỗ trợ, thúc đẩy quy định tốt hơn. Vì thế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia có thể hỗ trợ việc xây dựng niềm tin và có được sự tự tin trong quá trình chuyển đổi số cũng như thúc đẩy thương mại số.
Quá trình số hóa nhanh chóng mang lại nhiều cơ hội lớn trong tương lai cho chính phủ, doanh nghiệp nhưng có nhiều thách thức đi kèm như bảo mật hệ thống, quản lý định danh, bảo vệ dữ liệu, phân tích dữ liệu, khả năng liên thông hoạt động hệ thống... Tiêu chuẩn ISO/IEC góp phần tối đa hóa tiềm năng của số hóa cũng như kiểm soát rủi ro liên quan. Các tổ chức cần ý thức về quản trị rủi ro để giúp đưa ra quyết định trong trường hợp thiếu thông tin.
Trong một khung giải pháp hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn chính là tâm điểm. Hạ tầng chất lượng sẽ giúp vận hành cỗ máy tài chính, y tế, ngành kinh tế khác. Thông thường, chính sách quốc gia sẽ quy định vai trò chức năng nhiệm vụ của những người tham gia trong hệ thống, hỗ trợ tạo niềm tin trong xã hội.