Nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận này như sau:
1. Đối tượng, điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Tại Điều 34 Luật an toàn thực phẩm 2010 quy định về đối tượng, điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) như sau:
- Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV Luật an toàn thực phẩm 2010;
+ Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Tổ chức, cá nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm 2010.
Ngoài ra, Chính phủ quy định cụ thể đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm năm 2024 lần đầu
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm năm 2024 lần đầu bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị theo Mẫu số 01a Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a (đối với cơ sở sản xuất), Mẫu số 02b (đối với cơ sở kinh doanh) hoặc cả Mẫu số 02a và Mẫu số 02b (đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
- Danh sách tổng hợp đủ sức khỏe do chủ cơ sở xác nhận hoặc giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
- Cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nộp hồ sơ thông qua 03 phương thức:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Nộp qua dịch vụ bưu chính;
+ Nộp qua mạng điện tử.
(Căn cứ Điều 12 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)
3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu như sau:
- Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ thì hồ sơ không còn giá trị.
- Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp trên ủy quyền thẩm định thực tế tại cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới thì phải có văn bản ủy quyền. Sau khi thẩm định, cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải gửi Biên bản thẩm định về cơ quan thẩm quyền cấp trên để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận.
Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ban hành quyết định thành lập. Đoàn thẩm định có từ 03 đến 05 thành viên, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên làm công tác chuyên môn về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm (có bằng cấp về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm) hoặc quản lý về an toàn thực phẩm. Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở được mời chuyên gia độc lập có chuyên môn phù hợp tham gia. Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở.
- Nội dung thẩm định thực tế tại cơ sở
+ Kiểm tra tính thống nhất của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở;
+ Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định.
- Kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở
+ Kết quả thẩm định phải ghi rõ Đạt hoặc Không đạt hoặc Chờ hoàn thiện vào Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo Mẫu số 03a, Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm theo Mẫu số 03b hoặc Mẫu số 03a và Mẫu số 03b đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm theo Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận khi các điều kiện kinh doanh của ít nhất một nhóm sản phẩm được đánh giá Đạt. Các nhóm sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định sẽ được ghi vào Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
+ Trường hợp Không đạt hoặc Chờ hoàn thiện phải ghi rõ lý do trong Biên bản thẩm định. Trường hợp Chờ hoàn thiện, thời hạn khắc phục tối đa là 60 ngày kể từ ngày có biên bản thẩm định. Sau khi đã khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định, cơ sở phải nộp báo cáo kết quả khắc phục theo Mẫu số 04 Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP và nộp phí thẩm định về cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định lại theo quy định tại điểm c khoản 1 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Thời hạn thẩm định lại tối đa là 10 ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục. Sau 60 ngày cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kết quả thẩm định trước đó với kết luận Chờ hoàn thiện không còn giá trị.
Trường hợp kết quả thẩm định lại Không đạt hoặc quá thời hạn khắc phục mà cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
+ Biên bản thẩm định thực tế tại cơ sở được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, Đoàn thẩm định giữ 01 bản và cơ sở giữ 01 bản.
- Cấp Giấy chứng nhận
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là Đạt, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở theo Mẫu số 05a (đối với cơ sở sản xuất), Mẫu số 05b (đối với cơ sở kinh doanh), Mẫu số 05c (đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh) Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Như vậy, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm các bước chính:
- Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ hồ sơ trong 5 ngày làm việc.
- Bước 2: Thành lập và tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở trong 15 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ.
- Bước 3: Kết quả Chờ hoàn thiện thì chủ cơ sở có 60 ngày khắc phục; kết quả Đạt thì được cấp Giấy chứng nhận.
- Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận trong 5 ngày kể từ kết quả thẩm định Đạt.
(Căn cứ Điều 13 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)